Lượt xem:
GD&TĐ – Đó là khẳng định của TS Nguyễn Văn Huấn – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre – khi chia sẻ ý kiến về dự thảo quy chế thi THPT quốc gia của Bộ GD&ĐT.
Cách tổ chức cụm thi hạn chế thấp nhất khó khăn, tốn kém cho thí sinh
Theo dự thảo quy chế thi THPT quốc gia, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức một cụm thi do sở GD&ĐT chủ trì, dành cho tất cả các thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh. Bộ GD&ĐT điều động cán bộ, giảng viên của các trường ĐH, CĐ đến các cụm thi để phối hợp, hỗ trợ công tác tổ chức thi; thực hiện việc giám sát các khâu: in sao đề thi, coi thi, chấm thi và phúc khảo.
Việc giao chủ trì cụm thi THPT quốc gia về cho Sở GD&ĐT, theo TS Nguyễn Văn Huấn, nhằm tăng cường trách nhiệm của các Sở GD&ĐT là phù hợp với nhiệm vụ quản lý chuyên môn của các Sở GD&ĐT đối với các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) trong tổ chức dạy học, đánh giá chất lượng.
Việc tổ chức cụm thi tại tỉnh, với các điểm thi bố trí phù hợp với điều kiện của thí sinh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, hạn chế đến mức thấp nhất những khó khăn, tốn kém cho thí sinh.
TS Nguyễn Văn Huấn cho rằng, khi có các trường ĐH, CĐ phối hợp, hỗ trợ tổ chức thi, giám sát trong tổ chức kì thi, từ in sao đề thi đến coi thi, chấm thi, phúc khảo thì tôi cho rằng kết quả kì thi sẽ đảm bảo đủ độ tin cậy, làm cơ sở cho các trường ĐH, CĐ yên tâm sử dụng trong xét tuyển.
Quy định tự chọn bài thi mềm dẻo, tránh học tủ, học lệch
Cũng theo dự thảo quy chế, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh giáo dục THPT phải dự thi 4 bài, gồm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội; thí sinh GDTX phải dự thi 3 bài, gồm 2 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi (Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội).
Thí sinh được chọn dự thi cả 2 bài thi (Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội), điểm bài thi tự chọn nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Thí sinh giáo dục THPT có thể thi cả 5 bài thi, thí sinh GDTX có thể thi cả 4 bài để tăng cơ hội xét tuyển sinh ĐH, CĐ theo quy định của quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hiện hành.
Nhận định về điểm mới này, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre cho rằng: Việc quy định như trên là mềm dẻo, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh, nhằm vừa tạo điều kiện để phát huy năng lực, thế mạnh cá nhân riêng của từng thí sinh, vừa thực hiện được yêu cầu tránh học tủ, học lệch.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng cần có những hướng dẫn cụ thể hơn việc tổ chức coi thi với lịch thi sao cho phù hợp, tạo thuận lợi nhất, hạn chế những khó khăn, tốn kém, áp lực không cần thiết cho những người tham gia coi thi và thí sinh, nhất là đối với các bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.
Bộ GD&ĐT cũng cần tính toán kỹ giải pháp kỹ thuật cho việc tổ chức coi thi ở các buổi thi các bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội cho các đối tượng khác nhau. Chẳng hạn, thí sinh GDTX thi 2 môn là Lịch sử, Địa lý trong thời gian 100 phút, chung đề thi với thí sinh giáo dục THPT, nhưng không thi môn Giáo dục công dân như thí sinh giáo dục THPT thì quản lý thí sinh GDTX thế nào trong buổi thi?
Bố trí thí sinh tự do giúp tránh sai sót khi tổ chức coi thi
Một quy định đáng chú ý trong dự thảo quy chế là: Phòng thi được xếp theo bài thi, mỗi phòng thi có tối đa 24 thí sinh, trong phòng thi phải đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa 2 thí sinh ngồi cạnh nhau là 1,2 mét theo hàng ngang.
Riêng phòng thi cuối cùng của buổi thi bài Ngoại ngữ (ở cùng Điểm thi), được xếp các thí sinh dự thi các bài Ngoại ngữ khác nhau, nhưng phải thu bài riêng theo bài.
Thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT được xếp phòng thi riêng ở một hoặc một số Điểm thi do Giám đốc sở GD&ĐT quyết định. Thí sinh GDTX được bố trí phòng thi riêng khi dự thi bài thi Khoa học xã hội.
TS Nguyễn Văn Huấn cho rằng: Việc xếp thí sinh GDTX thi ở phòng thi riêng khi dự thi bài thi Khoa học xã hội (vì không thi môn Giáo dục công dân như thí sinh giáo dục THPT), hoặc thí sinh tự do thi ở phòng thi riêng là phù hợp vì sẽ tạo thuận lợi cho việc tổ chức kỳ thi, giúp tránh những khó khăn, sai sót có thể xảy ra do tính chất phức tạp về mặt tổ chức coi thi đối với các đối tượng thí sinh khác nhau.
Bên cạnh đó, việc quy định mỗi thí sinh trong phòng thi có một mã đề thi riêng (dự thảo chưa nói rõ có bao nhiêu phần trăm câu hỏi giống và khác nhau trong đề thi) nhằm ngăn chặn việc học sinh xem bài của nhau là một giải pháp kỹ thuật tốt. Tuy nhiên, TS Nguyễn Văn Huấn cho rằng, giải pháp này cũng tạo nên băn khoăn, lo lắng về độ tương đồng của các câu hỏi không giống nhau, bởi vì các câu hỏi khác nhau chỉ cần dễ hoặc khó hơn một tí thì sẽ không đảm bảo độ đồng nhất trong đánh giá thí sinh.
Vì vậy, cần phải đảm bảo độ tương đồng, chất lượng các câu hỏi và ngân hàng đề thi trắc nghiệm khách quan đủ lớn thì mới thực hiện giải pháp kỹ thuật nói trên đạt hiệu quả.
Ngoài ra, việc quy định mỗi thí sinh một mã đề thi riêng cũng tạo nên sự khó khăn, phức tạp trong in sao đề thi và coi thi. Vì vậy, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Bến Tre đề nghị Bộ GD&ĐT cần có những hướng dẫn kỹ thuật chi tiết để giúp việc tổ chức kì thi đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét