Ngột ngạt bên người vợ quá khéo léo, người đàn ông thành đạt ở TPHCM, dù mắc lỗi ngoại tình, cứ lâu lâu lại vác đơn xin ly hôn.
Đó là một người chồng thành đạt, nói chuyện nhẹ nhàng, lịch sự và chị vợ xinh đẹp, quý phái, có kiến thức sâu rộng cả về xã hội và tâm lý.
Câu chuyện kéo dài từ khi chị làm thư ký, đến nay đã hơn 10 năm người chồng vẫn chưa thể ly hôn. Nguyên nhân vì người vợ dùng cả pháp luật và tâm lý để giữ chồng. Tính đến nay, anh đã sáu lần đưa đơn ra tòa ly hôn nhưng vẫn chưa được. Thẩm phán nào thụ lý vụ án cũng phải đau đầu khi đưa ra quyết định.
Là người được phân công giải quyết vụ án ở lần thứ năm, nữ thẩm phán của TAND quận Bình Tân (TPHCM) cho biết, hai anh chị có nhiều phòng trọ cho thuê, trong đó có một người phụ nữ đến thuê tầng trệt để mở tiệm may. Một lần chị đi tìm chồng giữa đêm thì phát hiện chồng đang ngủ cùng cô thợ may. Anh đã nhận lỗi sai và bị công an xử phạt hành chính vì ngoài tình nhưng vẫn tiếp tục quan hệ với người phụ nữ kia.
Cảm thấy ngột ngạt khi chị quá khéo léo, dùng cả pháp luật, tâm lý để giữ chồng, anh làm đơn ly hôn. Họ đến tòa với hai hình ảnh hoàn toàn trái ngược. Anh rất lạnh lùng và cương quyết. Chị lại đau khổ, tỏ vẻ yếu đuối.
“Tôi đã suy nghĩ rất nhiều rồi đưa ra các phương án và dự trù kết quả. Nếu chấp nhận cho người chồng được ly hôn, tôi rất sợ chị vợ sẽ làm điều gì đó dại dột. Còn nếu cứ bác đơn như những lần trước, thì liệu họ sống có hạnh phúc, người chồng rồi có lại tiếp tục đưa đơn ra tòa”, nữ thẩm phán chia sẻ. Bà quyết định đưa vụ án ra xét xử, để các hội thẩm cùng có lời khuyên cho vợ chồng họ.
Đến dự phiên xử, chị trang điểm rất lộng lẫy, quý phái, nói chuyện nhẹ nhàng, khéo léo. Phiên tòa vừa diễn ra, ngay lập tức chị quỳ xuống, ôm chân chồng xin anh đừng ly hôn. Nhẹ nhàng gỡ tay vợ ra, anh quả quyết vẫn giữ quyết định.
“Phiên xử diễn ra suốt buổi sáng, tôi cùng hai vị hội thẩm đưa hết lý lẽ để khuyên người chồng. Suy nghĩ rất lâu, anh chồng mới chịu rút đơn. Nhưng bây giờ, tôi lại thấy người chồng ấy đâm đơn”, bà thẩm phán kể.
Ảnh minh hoạ: koreatimes.
|
Câu chuyện tương tự xảy ra với vợ chồng chị Lý, anh Kiên, sống tại TPHCM. Lần nào ra toà chồng cũng cương quyết ly hôn, còn chị Lý hết xin xỏ, níu kéo, lại mang đơn kêu cứu đến cơ quan chức năng.
Năm 1990, chị Lý và anh Kiên nên nghĩa vợ chồng. Chị buôn bán ở chợ, anh làm đội trưởng đội quản lý chợ. Hơn 20 năm sau, kinh tế gia đình khá giả, hai con trai trưởng thành, anh nộp đơn ra tòa một hai đòi ly hôn. Lý do anh đưa ra là chẳng còn tình yêu với chị, chị có năn nỉ cũng chẳng còn ý nghĩa nữa. Anh sẽ ra đi tay trắng. Toàn bộ tài sản, anh chấp nhận để lại cho vợ con.
Còn khoảng hơn một tháng nữa sẽ đến phiên xử tiếp theo, nhưng chị luôn sợ rằng, mình không giữ được chồng. Chị từng mang đơn kêu cứu không muốn ly hôn nhiều lần gửi đến các cơ quan chức năng.
Trong hai phiên xử trước đó hồi năm 2015 và 2016, chị đã ra sức níu kéo, mong anh hãy vì gia đình mà cho chị cơ hội. Theo chị, trước đây, anh luôn yêu thương, quan tâm, chăm sóc và tôn trọng vợ. Chị rất yêu chồng, tự hào khi được làm vợ anh. Từ năm 2013, cuộc sống gia đình đảo lộn vì anh ngoại tình còn đánh vợ. Đã nhiều lần chị phải nhận những trận đòn vô cớ. Sự việc đã được phía công an nhắc nhở, anh cam kết không đánh chị nữa.
Hơn bốn năm qua, anh chị sống với nhau mà như người xa lạ. Anh chỉ xem nhà mình như quán trọ, chỉ tắm rửa, ăn uống, đêm đến thì tìm nơi để đi. Còn chị, phải sống trong sự hoài nghi, ghen tức và chờ đợi.
Ở phiên xử của Tòa án Gia đình và trẻ chưa thành niên TPHCM năm 2016, chị trang điểm đẹp nhưng anh chẳng nhìn vợ một lần. Vị luật sư hỗ trợ pháp lý cho chị kể, vì chồng, chị thay đổi cách ăn mặc, tập tành trang điểm. Anh nói lạnh lùng: “Cô ta có làm đẹp, có thay đổi tôi cũng ly hôn”.
Nhìn anh bằng ánh mắt trìu mến, chị hứa sẽ sửa sai, sẽ làm người vợ, người mẹ, hoàn thiện hơn, thậm chí chấp nhận nếu anh "thích vui vẻ bên ngoài". Anh chỉ cười khẩy rồi khẳng định, những gì chị nói không còn ý nghĩa nữa. “Cô ta vu oan cho tôi có quan hệ một lúc tới 3-4 người phụ nữ khác rồi đưa đơn tố cáo tố cáo khắp nơi. Tôi rất mệt mỏi. Tôi là một đảng viên mà hết lần này đến lần khác bị công an mời lên làm việc”, anh tố chị.
Đứng về phía con dâu, mẹ ruột của anh cũng tha thiết xin toà giữ lại cuộc hôn nhân này. Do có nhiều vấn đề cần xem xét nên tòa đã hủy án sơ thẩm. Chị vui mừng đến trào nước mắt, còn anh hét lên: “Hôm nay cô đã đạt được mục đích rồi đó, nhưng chỉ được một lần thôi!”.
Bàn về hai câu chuyện trên, thạc sĩ tâm lý Phạm Thị Thúy kể, trước đây, bà từng tư vấn cho một người vợ phải sống trong sợ hãi, day dứt, dằn vặt vì níu kéo chồng. Bà Thúy khuyên chị, hãy biết sống cho mình, biết yêu bản thân và thử chấp nhận ly hôn xem chồng có đổi ý không. Sáu tháng sau, bà Thúy nhận được điện thoại của chị vợ, giọng vui vẻ thông báo, người chồng đã rút đơn, quay về với vợ con.
Theo bà Thúy, khi người phụ nữ không muốn ly hôn là do họ phụ thuộc vào chồng, thiếu tự tin về bản thân. Họ ngộ nhận, cuộc sống hôn nhân sẽ tốt hơn nhờ con cái và có quan niệm chồng có quyền đánh vợ, có quyền ngoại tình….
Bà Thúy cho rằng, khi người đàn ông nhất quyết đòi ly hôn thì tình cảm vợ chồng đã chạm đến mức không thể chịu đựng được, khiến họ trở thành người cạn tình cạn nghĩa. Phụ nữ cần mạnh dạn chia tay. Bởi ly hôn là giải phóng chứ không phải chấm hết, nếu cứ níu kéo chỉ làm tình trạng mối quan hệ thêm trầm trọng, bạo lực gia tăng và hậu quả là người phụ nữ phải chịu đau đớn, con cái bị ảnh hưởng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét