Thứ Tư, ngày 23/08/2017 15:00 PM (GMT+7)
Sự kiện:
Giáo dục
“Về vấn đề tăng điểm liệt hay trừ điểm nếu thí sinh tô sai đáp án, đến giờ phút này Bộ GD&ĐT chưa hề chốt phương án”, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho hay.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2016 – 2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017 – 2018, đánh giá về kỳ thi THPT quốc gia 2017 lãnh đạo nhiều Sở GD&ĐT cũng đã thừa nhận những ưu điểm trong việc đổi mới.
Bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang cũng đã có những chia sẻ thẳng thắn tại hội nghị. Bà Giang cho hay, thông qua kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi đề nghị lãnh đạo Bộ GD&ĐT nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, khuyết điểm để đưa ra giải pháp khắc phục kịp thời trong kỳ thi tới.
Như vậy, kỳ thi vẫn còn tồn tại một số hạn chế: Điểm ưu tiên quá cao, quy định điểm làm tròn, đề thi chưa được phân hóa cao dẫn đến tình trạng thí sinh 30 điểm vẫn trượt ĐH.
Một điểm đáng lưu ý, năm nay trừ môn Văn, tất cả các môn đều được thi dưới hình thức trắc nghiệm. Vì thế, số thí sinh bị điểm liệt giảm đáng kể. Nhiều người cho rằng, với phương thức thi trắc nghiệm, thí sinh không nắm được kiến thức cũng có thể “khoanh liều” được trên điểm 1.
Để kỳ thi 2018 được khách quan, công bằng, tạo động lực cho thí sinh, nhiều chuyên gia đã đề xuất cải cách một số quy định liên quan đến kỳ thi. Một trong những đề xuất đó là: Tăng mức điểm liệt từ 1 lên 3 và trừ điểm nếu thí sinh khoanh sai đáp án nhằm mục đích tăng tính trách nhiệm của thí sinh với bài thi.
ĐH Bách Khoa Hà Nội trừ điểm nếu sinh viên làm sai đáp án ở bài thi trắc nghiệm
Chia sẻ về vấn đề này, cô Lê Thị Loan – nguyên phó trưởng khoa Giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục cho hay: “Với hình thức thi tự luận thì điểm liệt có thể là 1 nhưng với hình thức thi trắc nghiệm với xác suất khoanh toàn bộ 1 đáp án thí sinh sẽ đúng 25%. Vì thế, tôi chỉ đề xuất tăng điểm liệt lên trên điểm 1 còn cụ thể là bao nhiêu chúng ta phải tính toán thật kỹ.
Tôi không biết mọi người đề xuất tăng điểm liệt lên 3 là dựa vào căn cứ nào? Với xác suất 25% tại sao điểm liệt không phải là 2,5 mà lại là 3?
Ở một số nước có nền giáo dục tiên tiến, khi số lượng câu hỏi trong bài thi ít thì họ tăng số lượng đáp án. Ví như có 5 đáp án và thí sinh chọn 1, vì thế xác suất đúng sẽ là 2 điểm”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, điểm liệt là bao nhiêu không quan trọng bằng việc xây dựng đề thi có tính phân hóa cao.
Về đề xuất, tô sai đáp án thí sinh bị trừ điểm, một chuyên gia giáo dục cho biết: “Với số lượng 40 câu/bài thi, chúng ta khó có thể áp dụng cách trừ điểm nếu thí sinh tô sai đáp án. Để nâng cao tính trách nhiệm của thí sinh và tránh “khoanh liều” đáp án chúng ta chỉ cần tăng số lượng đáp án của câu hỏi từ 4 lên 5 đáp án để xác suất giảm xuống còn 20%. Nếu tô hết 1 đáp án thí sinh chỉ được 2 điểm và với số điểm đó cũng khó mà đỗ trường cao đẳng nào”.
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV báo Infonet sáng 23/8, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho hay: “Về vấn đề tăng điểm liệt hay trừ điểm nếu thí sinh tô sai đáp án, đến giờ phút này Bộ GD&ĐT chưa hề chốt phương án, đó đều là những thông tin không có căn cứ.
Sau này, khi làm quy chế, nếu chốt các phương án, chúng tôi sẽ thông báo chính thức trên các phương tiện thông tin đại chúng. Còn việc, người này hay người kia đề xuất đó chỉ là ý kiến cá nhân của họ, Bộ GD&ĐT chưa có chỉ đạo.
Tất nhiên, những ý kiến về đổi mới và khắc phục hạn chế của kỳ thi THPT quốc gia 2017, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp thu và có kế hoạch triển khai và sẽ công bố nên các em thí sinh không nên hoang mang bởi những tin đồn”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét